400.000ha lúa đông xuân 2022-2023 cần xuống giống sớm trong tháng 10 để né mặn ở miền Tây

400.000ha lúa đông xuân 2022-2023 ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang cần xuống giống sớm trong tháng 10 để né mặn xâm nhập

Xuống giống sớm vụ đông xuân 2022-2023 để né mặn xâm nhập

Đó là ý kiến của ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 Nam bộ được Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.Cần Thơ mới đây.

400.000ha lúa đông xuân 2022-2023 cần xuống giống sớm trong tháng 10 để né mặn ở miền Tây - Ảnh 1.

400.000ha lúa đông xuân 2022-2023 ở ĐBSCL cần xuống giống sớm trong tháng 10 để né mặn. Ảnh minh họa, nguồn: Huỳnh Xây

Theo ông Tùng, có khoảng 400.000 ha có nguy cơ hạn vào cuối vụ lúa đông xuân 2022- 2023 ở Nam bộ. Đó là vùng ven biển thuộc các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.

“Khoảng 400.000ha này chiếm khoảng 26% diện tích lúa đông xuân của toàn vùng, cần phải xuống giống sớm, cụ thể là từ ngày 10-30/10/2022” – ông Tùng thông tin.

Ở những vùng còn lại sẽ xuống giống từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12. Riêng một số ít vùng xuống giống đông xuân muộn sẽ kết thúc trước ngày 10/1 của năm sau.

“Các địa phương phải bố trí thời vụ, chủ động xuống giống sớm ở vùng ven biển, có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Có như vậy mới đảm bảo đủ lượng nước tưới và hạn chế thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra nếu có. Ngoài ra, cũng đề phòng tình trạng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt” – ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng nhấn mạnh: “Chúng ta luôn theo tinh thần cảnh giác cao nhất, ví dụ nếu ĐBSCL có xâm nhập mặn sớm vào tháng 12 hoặc tháng giêng và kéo dài cho đến tháng 4, đến tháng 5 thì chúng ta làm thế nào đó, thời điểm này vùng nguy hiểm nhất, vùng có nguy cơ không có cây lúa trên đồng ruộng”.

Đối với cơ cấu giống lúa vụ đông xuân 2022-2023, Cục trưởng Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương ven biển, nơi có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn chọn giống lúa chịu mặn và ngắn ngày. Đối với vùng ngọt quanh năm, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao.

PGS-TS Trần Bá Hoằng đến từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho rằng, người dân nên xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn những năm trước đây.

Mặc dù, xuống giống lúa đông xuân trong tháng 10 thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Do vậy, đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa 1 màu

Dự báo xâm nhập mặn xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm

Mặc dù, mưa trái mùa có thể xảy ra khá nhiều trong những tháng mùa khô cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo người dân không được chủ quan.

“Có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nếu thời tiết diễn biến bất thường như nắng nóng kéo dài và không có mưa. Phía chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam sẽ luôn có những thông tin sớm để các tỉnh theo dõi để kịp thời khuyến cáo người dân” – Ông Lương Văn Anh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói.

400.000ha lúa đông xuân 2022-2023 cần xuống giống sớm trong tháng 10 để né mặn ở miền Tây - Ảnh 2.

Dự báo xâm nhập mặn xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm ở ĐBSCL. Ảnh minh họa, nguồn: Huỳnh Xây

Tổng cục Thủy lợi dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016 và 2019-2020. Ở thời điểm cao nhất xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến bốn tỉnh ven biển (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng) với tổng diện tích gần 60.000ha.

Còn theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong năm 2022, dự báo đỉnh lũ ở ĐBSCL là lũ nhỏ và dòng chảy mùa kiệt năm 2022 – 2023 tiếp tục diễn biến khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực.

Đáng chú ý là các hồ ở thượng nguồn tiếp tục kéo dài tích nước đến cuối năm. Giai đoạn đầu mùa khô tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, các thủy điện có thể xả nước hạn chế nên dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm ở ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã đề nghị Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan khoa học thuộc Bộ tiếp tục theo dõi sát tình hình nguồn nước, cập nhật thông tin dự báo để cung cấp cho các địa phương chủ động phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thứ trưởng Doanh nói: “Trong vụ đông xuân 2022 – 2023 tới, nông dân cần cố gắng xuống giống sớm, nhất là phần diện tích hơn 400 ha ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, để tránh hạn mặn có thể xảy ra. Riêng ngành nông nghiệp các địa phương phải hướng dẫn người dân lựa chọn đúng giống gieo sạ theo chủ trương, giảm lượng giống, giảm chi phí sản xuất, nhất là lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ít tốn về lượng nước tưới”.

Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2022-2023 toàn vùng Nam Bộ gieo sạ khoảng 1,58 triệu ha, giảm trên 6.100ha so với vụ đông xuân 2021-2022. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ gieo sạ 80.000ha (tăng khoảng 760ha), vùng ĐBSCL gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha (giảm trên 6.800ha). Riêng tỉnh Bến Tre không bố trí gieo sạ vụ đông xuân khoảng 10.000ha lúa mà chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp.

Nguồn:danviet.vn

Liên hệ