Một số năm gần đây, giá sắn tăng cao và tương đối ổn định, nên đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng sắn. Thậm chí, nhiều nơi, đồng bào còn phá rừng tự nhiên hoặc chuyển đổi một số cây trồng khác sang trồng sắn thiếu sự kiểm soát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất.
1. Phát triển ồ ạt không theo quy hoạch
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên đang có diện tích cây sắn trên 151.000 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2006, với sản lượng trên 2,673 triệu tấn củ, chiếm khoảng 26,2% sản lượng sắn cả nước. Đây cũng là vùng trọng điểm sản xuất sắn của cả nước, trong đó tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích, sản lượng sắn nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên với gần 62.000 ha và sản lượng mỗi năm đạt trên 1,138 triệu tấn. Tiếp đến là tỉnh Kon Tum với diện tích sắn trên 37.565 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 566.300 tấn củ trở lên.
Nhiều năm qua, cây sắn đã mang lại nguồn thu đáng kể cho đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên.
Đất bạc màu vì trồng sắn
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên trong thời gian qua trồng sắn phần lớn trên vùng đất dốc, đất xấu nhưng trồng quảng canh. Trong khi đó, Tây Nguyên hàng năm luôn có lượng mưa lớn, tập trung… nếu không quan tâm đến thâm canh và các giải pháp kỹ thuật trong canh tác, bảo vệ đất thì nguy cơ mất đất, không thể canh tác lâu dài là rất cao. Tiến sĩ Y Ghi, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đắk Lắk cho biết, không thể phủ nhận những đóng góp của cây sắn trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho người dân ở những vùng đất cằn cỗi, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tăng thêm mặt hàng nông sản xuất khẩu cho các địa phương. Tuy nhiên, nếu không có sự phát triển phù hợp thì đây là loại cây trồng nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất. Điều này đã được chứng minh qua những diện tích đất đã trồng 4 vụ sắn liên tục trở lên, sau đó không loại cây trồng nào phát triển được dù có thâm canh, đầu tư bón phân cải tạo đất. Sắn là cây trồng dễ tính, ít vốn đầu tư nên các địa phương vùng Tây Nguyên xem cây sắn là một loại cây mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhưng trong quá trình sản xuất, phần lớn đồng bào các dân tộc các tỉnh vùng Tây Nguyên chỉ tập trung mở rộng diện tích, khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng trong đất mà không chú trọng đến chế độ đầu tư thâm canh cũng như áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, cải tạo đất, nhất là một số diện tích trồng sắn trên chân đất dốc gây xói mòn, dẫn đến suy thoái đất. Nghiêm trọng hơn, nhiều địa phương đã đưa diện tích đất đỏ bazan vào trồng sắn gây lãng phí lớn đến nguồn tài nguyên đất. Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ea Súp, Krông Bông, Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm đầu mới chặt phá rừng tự nhiên lấy đất trồng sắn, do đất còn màu mỡ nên bà con trồng “chay” (không phân bón, chăm sóc) nhưng năng suất vẫn đạt trên 30 tấn củ/ha. Mấy năm sau, năng suất ngày càng giảm dần, chỉ còn 9 – 10 tấn củ tươi/ha.
2. Cần đầu tư thâm canh
Để khắc phục những bất cập trên, nhằm phát triển bền vững cây sắn ở vùng Tây Nguyên, các nhà khoa học đã khuyến cáo các tỉnh Tây Nguyên ngoài việc sớm thực hiện quy hoạch cụ thể lại vùng sản xuất cây sắn, cần nhanh chóng hướng dẫn đồng bào các dân tộc đầu tư thâm canh đồng bộ, với các giải pháp kỹ thuật canh tác hợp lý, chấm dứt tình trạng sản xuất quảng canh cây sắn để không những đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn hạn chế thoái hóa đất. Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ tuyển chọn một số giống sắn mới như SM 937-26, KM 140, KM 98-5, KM 98-7, KM 419… có năng suất cao thay thế dần các giống sắn cũ đã bị thoái hóa, nhiễm bệnh chổi rồng.
Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số sau khi cày xới cần bón lót cho mỗi ha trên 5 tấn phân chuồng ủ hoai mục và bón thúc phân N.P.K cân đối, hợp lý. Theo khuyến cáo, một ha sắn, đồng bào bón thúc từ 80 kg đạm, 40 kg lân, 80 kg kali trở lên kết hợp với làm cỏ xáo xới đất. Đồng bào cũng cần tổ chức luân canh, xen canh, rải vụ, trồng sắn theo đường đồng mức (đất dốc) và cây trồng luân canh, xen canh là các loại cây họ đậu, cây che phủ đất nhằm giữ ẩm, hạn chế xói mòn và bổ sung chất hữu cơ cho đất. Các tỉnh Tây Nguyên cũng không nên sử dụng diện tích đất đỏ bazan vào trồng sắn mà chỉ ưu tiên trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả giá trị cao nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quỹ đất này.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần sớm mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết giữa người trồng sắn với các nhà thu mua, doanh nghiệp, nhà máy chế biến tinh bột sắn để không những ổn định vùng nguyên liệu mà còn tạo điều kiện cho bà con nông dân mua được vật tư phân bón đúng chất lượng, đúng giá, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định… nhằm góp phần phát triển cây sắn bền vững ở vùng Tây Nguyên.
Nguồn: Công ty cổ phần Bình Điền – MeKong
Nguyễn Tri Hiếu Sưu Tầm