Ủ vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ sinh học ở nông hộ

Ủ hoai vỏ cà phê (một nguồn hữu cơ thô) bằng chế phẩm sinh học BIMA trước khi bón là một trong những tiến bộ kỹ thuật đã được nông dân và các đơn vị trồng cà phê áp dụng khá phổ biển để khắc phục các tác hại và phát huy các lợi ích khi sử dụng nguồn vỏ cà phê bón cho cây trồng, đặc biệt là cà phê và hồ tiêu.

Tác hại khi bón vỏ cà phê thô (chưa ủ hoai)
– Tồn dư nguồn dịch, lây lan sâu bệnh.
– Cạnh tranh dinh dưỡng khi phân giải.
– Các chất gây độc và bộ nhiễm nấm.

Lợi ích khi bón vỏ cà phê ủ hoai bằng BIMA
– Sẽ diệt sạch mầm sâu bệnh, hạt cỏ dại
– Giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường
– Cung cấp dinh dưỡng, hữu cơ cho đất
– Củng cố hệ vi sinh vật hữu ích trong đất
– Nâng cao độ phì đất, cải thiện bộ rễ cây
– Tăng hiệu quả phân khoáng, nước tưới
– Ủ dễ dàng, dùng thuận tiện ở nông hộ
– Hoai nhanh, chất lượng cao, đơn giá rẻ
Vỏ quả cà phê – nguồn hữu cơ thô quý giá
Theo “Báo cáo hiện trạng sản xuất, giải pháp phát triển và trồng tái canh cà phê thời gian tới (Cục trồng trọt 10/2012)”, năm 2012 Tây Nguyên sản xuất gần 1,2 triệu tấn cà phê nhân; và  tương ứng sẽ có hơn 395 nghìn tấn vỏ trấu cà phê (bảng dưới).

     Ngoài hữu cơ, NPK trong vỏ cà phê khá cao (N: 1,95-2,35%, P2O5: 0,27-0,38%, K2O: 1,92-2,22%), là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất phân hữu cơ chất lượng tốt bón cho cà phê, hồ tiêu. Chất lượng phân hữu cơ sinh học từ vỏ cà phê ủ bằng men Trichoderma khá cao (pH: 7,0; hữu cơ: 26,5%; Acid humic: 2,2%; Đạm tổng số: 0,83%; Lân tổng số: 1,2%; Kali tổng số: 1,3%) Nguồn: WASI, số liệu phân ủ từ vỏ cà phê tại Dleiya.

Quy trình ủ vỏ cà phê bằng chế phẩm sinh học BIMA
Chế phẩm sinh học BIMA dùng xử lý vỏ cà phê làm phân hữu cơ sinh học được sản xuất từ vi sinh vật hữu ích (nấm Trichoderma spp,…) có khả năng phân hủy nhanh xen-lu-lô và các chất hữu cơ khác (cellulase, kitin, lignin, polysaccharide,…).

* Nguyên phụ liệu (tính cho mỗi tấn vỏ cà phê, khoảng 3 m3)
– Phụ gia: 50-100 kg phân chuồng, 25 kg lân nung chảy, 10 kg vôi, 2 kg đường (rỉ mật).
– Men vi sinh: 2-3 kg BIMA.

* Các bước chính trong quy trình ủ
– Bước 1: Làm ẩm cơ chất, phối trộn phụ gia
Trải vỏ cà phê, phân chuồng thành lớp dày 30-40 cm, tưới và đảo cho đủ ẩm.
Rải lân, vôi, đảo trộn sơ và tưới nước bổ sung để đống ủ đủ ẩm (ẩm độ 55-60%).
– Bước 2: Phối trộn men và lên đống ủ
Trải cơ chất ẩm từng lớp (20 – 25 cm), rộng 2-3 m, chiều dài tùy địa thế. Rắc men BIMA lên lớp cơ chất (theo tỷ lệ phù hợp), đảo trộn; lần lượt từng lớp đến xong.
Đống ủ có kích thước như sau: cao 1-2 m x rộng  2-3 m, dài luống (tùy địa thế).
Dùng rơm rạ, thân cây phân xanh, đậu, bắp,… tủ lên đống ủ, tưới nhẹ, dùng vật liệu che tủ kín đống ủ để giữ ẩm và nhiệt. Chặn kỹ, tránh bị gió tốc.
– Bước 3: Đảo trộn, tưới bổ sung và ủ lại
Sau khi ủ được 3 tuần thì tiến hành đảo trộn, và tưới thêm nước đủ ẩm (nếu cần).
Gom đống ủ, tủ lá rác lên bề mặt, che đậy bạt kín trở lại và ủ tiếp đến hoai.
– Bước 4: Trộn bổ sung chế phẩm sinh học BIMA và bảo quản chờ bón
Sau khi ủ 2-3 tháng, thấy nhiệt độ hạ xuống mức bình thường (37-40 0C), đống ủ đã hoai mục, thì trộn bổ sung chế phẩm sinh học BIMA, bảo quản và đem bón.


Nguồn:Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên
Sử dụng phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh đã sản xuất cho cà phê
* Bón lót: Bón lót 2-3 kg/hố, trộn đều với đất mặt khi xả lấp hố.
* Bón cà phê kiến thiết cơ bản: Lượng bón: 2-3kg/cây/năm khi mưa đều, đất ẩm.
* Bón cho cà phê kinh doanh: Bón 3-6 kg/cây/năm khi mưa đều, đất đủ ẩm. Bón lấp theo rãnh (sâu 15-20 cm, rộng 10-20 cm, dài 1/4 – 1/2 chu vi bồn cà phê) ở ngay mép tán. Năm sau bón thì đào rãnh ở phần còn lại của bồn.

Nguồn:ThS. Phạm Công Trí – Phụ trách Bộ môn Hệ thống Nông Lâm Nghiệp

Liên hệ