Các cây có múi gồm quít, cam, chanh, bưởi là nhóm cây ăn quả có giá trị kinh tế và sử dụng cao, được trồng phổ biến ở các vùng nước ta. Các cây có múi thường bị nhiều loài dịch hại nguy hiểm, là nguyên nhân quan trọng làm giảm năng suất và chất lượng. Vì vậy việc phòng trừ dịch hại với cây có múi là vấn đề được đặc biệt chú ý.
Phòng trừ dịch hại trên cây có múi phải đảm bảo 2 yêu cầu cơ bản là hiệu quả và an toàn, trên cơ sở của phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) với mục tiêu giữ gìn sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng bằng 2 biện pháp chính là trồng cây khoẻ và bảo vệ thiên địch. IPM cũng là 1 tiêu chí kĩ thuật cần thiết trong thực hành nông nghiệp tốt ( GAP) để cho ra các sản phẩm chất lượng và an toàn.
Các loài dịch hại chủ yếu thường có trên cây có múi gồm nhiều loài sâu, nhện và bệnh. Về sâu hại, đáng chú ý là sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, rệp, bọ trĩ, sâu đục quả. Về bệnh có các bệnh thán thư, ghẻ, loét vi khuần, nứt thân xì mủ, vàng lá gân xanh, vàng lá thồi rễ. Nhóm nhện hại cũng rất quan trọng, gồm các loài nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng.
Thành phần thiên địch trên các cây có múi cũng rất phong phú, gồm các loài ăn thịt như nhện, kiến vàng, bọ rùa, các loài ong kí sinh và nhiều loài vi sinh vật đối kháng với nguồn bệnh. Các loài thiên địch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hạn chế dịch hại.
Đề có cây trồng khoẻ và bảo vệ thiên địch cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp cụ thể, thích hợp với đặc điểm sinh thái và tập quán canh tác từng vùng
1/ Để có cây trồng khoẻ:
Chủ yếu là thực hiện tốt các biện pháp canh tác theo quy trình kĩ thuật hướng dẫn cho từng cây, từng vùng
– Trước hết cần chọn sử dụng các cây giống đúng chất lượng và không mang nguồn sâu bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh. Cần lấy giống ở các cơ sở giống tin cậy và kiểm tra, xử lý trước khi trồng.
– Thiết kế vườn cao ráo, có hệ thống tưới và tiêu nước chủ động.
– Khi trồng cần đào hố, đắp mô, bón lót phân hữu cơ, mật độ cây vừa phải.
– Về chăm sóc hàng năm bón thúc phân đầy đủ,chú ý các chất trung và vi lượng, bổ sung phân hữu cơ. NPK cần bón cân đối thích hợp với yêu cầu từng giai đoạn sinh trường, phát triển của cây. Không để gốc cây đọng nước lâu trong mùa mưa. Tỉa cành, tạo tán, thường xuyên vệ sinh vườn cây sạch sẽ, thông thoáng.
2/ Bảo vệ thiên địch
Chủ yếu là sử dụng thuốc đúng lúc cần thiết bằng các loại thuốc ít hại thiên địch, chú ý thuốc sinh học
– Khi cây mới có đọt non chú ý sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, rệp, sâu ăn lá. Khi bắt đầu đậu quả chú ý bọ trĩ, nhện. Khi quả đang lớn có sâu đục quả, đục vỏ. Với các loại bệnh hại lá và quả như thán thư, ghẻ, loét nên phun thuốc khi bệnh mới phát sinh. Với bệnh vàng lá gân xanh chủ yếu là dùng giống sạch bệnh, bón thêm chất trung vi lượng và trừ rầy chổng cánh. Bệnh vàng lá thối rễ rất nguy hiềm, biện pháp chủ yếu là thoát nước và bón phân hữu cơ, nhất là phân hữu cơ có vi sinh vật đối kháng. Bệnh này khi đã xuất hiện triệu chứng vàng lá thì việc phòng trừ rất ít hiệu quả do bộ rễ đã bị phá huỷ, cây có thể chết hàng loạt, gây tổn thất nặng nề. Bệnh chủ yếu do các loài nấm Phytophthora và Pythium ở trong đất phá huỷ rễ cây . Bệnh phát triển nhanh và lây lan rộng do nấm hình thành rất nhiều động bào tử để phát tán và xâm nhập vào rễ cây. Nguồn bào tử trong đất có thể phát triển lên trên gây bệnh nứt thân xì mủ cũng rất phổ biến và nguy hiềm
– Về thuốc, cần chọn đúng các loại thuốc đặc hiệu với từng đối tượng, chú ý các thuốc sinh học hiện có nhiều trên thị trường. Nuôi nhân kiến vàng làm thiên địch điệt sâu hại là biện pháp đã áp dụng có hiệu quả ở nhiều vườn cây có múi Đồng bằng sông Cửu Long.
– Trong các loại thuốc thì chế phẩm dầu khoáng được coi là chủ lực sử dụng trong phương pháp IPM với cây có múi. Dầu khóng phòng trừ hữu hiệu các loài nhện, rầy chổng cánh, rệp, bọ trĩ, hạn chế một phần nguồn bệnh. Dầu khóng hầu như không hại thiên địch, rất an toàn với người, không để lại dư lượng độc trên quả. Dầu khoáng nếu được hỗn hợp với thuốc sinh học như Abamectin, Emamectin hiệu quả phòng trừ càng cao.
Bón phân hữu cơ cung cấp cân đối chất dinh dưỡng cho cây, duy trì và cải tiến độ phì nhiêu của đất vườn, giúp cây sinh trưởng khoẻ tăng sức chống chịu sâu bệnh. Phân hữu cơ tạo điều kiện cho các vi sinh vật đối kháng phát triển, góp phần trực tiếp tiêu diệt một số nguồn bệnh trong đất nhất là với bệnh vàng lá thối rễ và nứt thân xì mủ. Các phân hữu cơ sinh học và hữu cơ vi sinh có bổ sung vi sinh vật đối kháng làm hiệu quả phòng ngừa bệnh tăng cao và lâu bền.
– Công ty cổ phần Bình Điền- MeKong có thuốc ĐẦU TRÂU BIHOPPER 270 EC là hỗn hợp của thuốc trừ sâu sinh học Abamectin và dầu khoáng. Thuốc có hiệu quả cao với các loài nhện, rệp, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bọ trĩ và nhiều sâu khác. Các loại phân hữu cơ của Công ty đều có thêm một lượng đáng kể axit humic kích thích sự phát triển của bộ rễ cây và nấm đối kháng Trichoderma hạn chế nguồn bệnh trong đất. Gần đây Công ty có loại phân hữu cơ ĐẦU TRÂU HCMK8 có phối trộn thêm vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida. Loài vi khuẩn này trực tiếp tiêu diệt các động bào tử nấm, góp phần tích cực hạn chế bệnh vàng lá thối rễ và nứt thân xì mủ.
Áp dụng tốt kỹ thuật canh tác, sử dụng các chế phầm hữu cơ sinh học và dầu khoáng là nội dung chủ yếu của phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả có múi.
Nguồn: Công ty cổ phần Bình Điền – MeKong
KS Nguyễn Mạnh Chinh