Đặc tính chế phẩm 2 trong 1 kết hợp Pseudomonas & Trichoderma

Pseudomonas là một loài vi khuẩn bản địa đối kháng với tác nhân gây bệnh chết nhanh hồ tiêu, sầu riêng và cà phê được phân lập từ rễ cây hồ tiêu tại Việt Nam. Đặc biệt vi khuẩn Pseudomonas có khả năng phân giải/làm vỡ bào tử động các loại nấm gây bệnh chết nhanh ở hồ tiêu, sầu riêng; Vi khuẩn Pseudomonas bị hấp dẫn bởi các chất bài tiết rễ cây trồng do đó vi khuẩn sẽ khu trú ở rễ cây tạo một lớp bảo vệ cho rễ cây giúp rễ cây phòng chống bị bào tử nấm tấn công. Bên cạnh đó, đây là loài vi khuẩn có ích ở vùng rễ, có khả năng cạnh tranh, kìm hãm sự phát triển của nấm gây bệnh Phytophthora, Pythium, Fusarium, Aspergillus. Sử dụng biện pháp phòng trừ sinh học bằng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas không những có khả năng làm giảm tỷ lệ bệnh chết nhanh do Phytophthora mà còn có khả năng kích thích sinh trưởng, phát triển của cây trồng do Pseudomonas tiết ra chất kích thích sinh trưởng IAA (Tran và cs, 2007).
Nấm đối kháng Trichoderma là vi sinh vật bản địa được phân lập từ đất trồng cà phê và đã được công bố có khả năng tiết enzyme ngoại bào chitinase có hoạt tính mạnh có khả năng phân giải lớp vỏ chitin của tuyến trùng và trứng tuyển trùng nên hạn chế được mật số tuyến trùng hại hồ tiêu khi bón vào đất. Ngoài ra, loài nấm đối kháng này còn có khả năng phân giải cellulose với hoạt lực cao, làm phân hủy nhanh các chất hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Bên cạnh đó, chủng nấm đối kháng Trichoderma còn có khả năng ức chế sợi nấm và sự hình thành hạch nấm Sclerotium rolfssi và Rhizoctonia solani điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giảm áp lực nguồn bệnh trên đồng ruộng. Sử dụng Trichoderma có tác dụng giảm đáng kể mật số tuyến trùng ở trong đất và rễ cà phê, cây hồ tiêu.
Sự phối hợp giữa Pseudomonas và Trichoderma (sản phẩm Đầu Trâu Pseudo.Tricho) dựa trên cơ sở sự tương thích và hỗ trợ mà không cạnh tranh và ức chế lẫn nhau (Hình 1 bên phải). Sự kết hợp giữa Pseudomonas và Trichoderma tạo ra bảo vệ kép. Lớp bảo vệ ngoài được tạo ra do Trichoderma vừa có tác dụng phân giải chất hữu cơ nhờ tiết enzyme cellulase, ức chế tuyến trùng và trứng nhờ tiết enzyme chitinase và đối kháng nấm gây bệnh cây trồng, ức chế sự hình thành hạch nấm (Hình 2 ở giữa); Lớp bảo vệ trong do vi khuẩn Pseudomonas bị hấp dẫn bởi chất bài tiết ở rễ và khu trú ở rễ cây trồng bảo vệ sự tấn công của bào tử động nấm Phytophthora, Pythium và quan trọng hơn nữa Pseudomonas còn có khả năng phân giải/làm vỡ bào tử động (Hình 2 bên phải) và tiết chất kích thích sinh trưởng IAA.
Hình 1: Kiểm tra sự tương tác giữa nấm Trichoderma và vi khuẩn Pseudomonas ở điều kiện in vitro (Hình trái: nấm Trichoderma chiếm ưu thế so với vi khuẩn Pseudomonas; Hình phải: Sự tương thích 50:50 giữa nấm Trichoderma và vi khuẩn Pseudomonas)
 
Hình 2: Cơ chế tác động của Trichoderma và Pseudomonas (Hình trái: Trichoderma không ức chế nấm và sự hình thái hạch nấm (Đối chứng); Hình giữa: Trichoderma ức chế nấm gây bệnh và ức chế hoàn toàn sự hình thành hạch nấm; Hình phải: Vi khuẩn Pseudomonas phân giải là vỡ bào tử động nấm Phytophthora)
Cách sử dụng chế phẩm 2 trong 1 (Pseudomonas và Trichoderma) có thể tưới/bón trực tiếp cho cà phê, hồ tiêu, sầu riêng (Lưu ý nên vùi vào trong đất, không nên bón trên mặt đất). Khuyến cáo tốt nhất nên trộn với phân chuồng rồi bón cho cây trồng.
Với kết quả này, Công ty Cổ phần Bình Điền – Mekong phát triển nhân rộng sản phẩm trên các mô hình tạo điều kiện cho bà con nông dân, các trang trại sử dụng ngày càng hiệu quả và bền vững trên các loại cây trồng khác nhau…

                                                                                                                               Nguồn 

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà
Trường Đại học Nông Lâm Huế
Liên hệ