UBND tỉnh Đăk Nông vừa có Quyết định số 1251/QĐ-UBND phê duyệt “Phương án phát triển và chuyển đổi cây điều tại huyện Đăk R’lấp
Cây điều đang được Đăk Nông tập trung nâng cao giá trị.
Điều đáng nói là việc phát triển diện tích trồng điều của người dân không hề tuân theo quy hoạch, khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh. Do phát triển tự phát nên nhiều nơi diện tích điều sinh trưởng kém, năng suất thấp, thậm chí không cho thu hoạch. Trước thực trạng đó, từ tháng 10/2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển cây điều trên địa bàn tỉnh Đăk Nông”. Tuy nhiên, do có những biến động nhanh về hiện trạng sử dụng đất, nhất là việc người dân tiến hành chuyển đổi cây trồng theo nhu cầu của thị trường nên các yếu tố cơ bản như hiện trạng và điều kiện triển khai của đề án rất khác so với hiện tại. Đây là bước đi có tính quyết định của ngành nông nghiệp tỉnh trong việc cải tạo, nâng cao giá trị kinh tế cây điều. Đồng thời chấn chỉnh việc phát triển điều tự phát, chạy theo phong trào. Suốt hơn 10 năm qua, do tác động của cơ chế thị trường, nhu cầu sản phẩm từ điều tăng dẫn đến giá cả tăng cao, nên diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh Đăk Nông cũng phát triển một cách ồ ạt từ 2.275 ha năm 2003 lên đến hơn 24.000 ha năm 2015.
Vì vậy, nhằm cụ thể hóa và đề ra bước đi thích hợp, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt “Phương án phát triển và chuyển đổi cây điều tại huyện Đăk R’lấp” để làm hình mẫu thí điểm cho các địa phương thực hiện đề án. Qua điều tra, thống kê, hiện trên địa bàn huyện Đăk R’lấp có đến 9.206,6 ha điều; trong đó, diện tích trồng thuần là 1.446,1 ha, điều xen 60 cây/ha là 4.372,9 ha, điều xen dưới 60 cây/ha là 3.387,6 ha (chủ yếu trồng làm cây che bóng cho cà phê). Với thực trạng trên, phương án phát triển và chuyển đổi cây điều tại huyện Đăk R’lấp sẽ tập trung thực hiện trên diện tích 5.819 ha (bao gồm 1.446,1 ha điều thuần và 4.372,9 ha điều xen trên 60 cây/ha).
Mục tiêu trọng tâm đặt ra là tăng năng suất cây điều và các cây trồng chuyển đổi, xen canh trong vườn điều. Cụ thể, thâm canh tăng năng suất điều hiện có lên 1,5 tấn/ha; tái canh cây điều ghép đạt năng suất 2 tấn/ha khi vào kinh doanh ổn định; thâm canh cây ca cao trồng xen đạt năng suất từ 1 tấn/ha. Phương án cũng sẽ thực hiện chuyển đổi từ diện tích điều sang cây ăn quả 220 ha và tái canh 300 ha điều trồng giống ghép tập trung ở các xã Quảng Tín và Đăk Ru; trồng xen ca cao trong vườn điều là 1.300 ha.
Ông Hồ Gấm, PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết: Theo thống kê nói trên, diện tích điều của toàn tỉnh hiện trên 24.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện Đăk R’lấp, Đăk Mil, Chư Jút, Krông Nô. Vào thời điểm cây điều phát triển ồ ạt, dư luận cũng đã đặt câu hỏi là liệu việc chuyển đổi, bố trí cây điều nói trên đối với một số vùng thực sự đã hợp lý, có cơ sở khoa học hay chưa, hay mới chỉ dừng lại ở việc chạy theo phong trào mà không tính đến hiệu quả lâu dài về sau này. Theo kế hoạch, đến năm 2020, ngoài diện tích trồng điều phân tán, diện tích trồng điều chuyên canh ổn định khoảng 6.452 ha sẽ cho năng suất trung bình đạt 13 tạ/ha, sản lượng 8.386 tấn.
Để phương án cải tạo, phát triển cây điều tại tỉnh đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Gấm thì ngành nông nghiệp tỉnh cần giải quyết được 2 vấn đề chính sau:
Thứ nhất, phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý nhà nước đối với việc phát triển diện tích của người dân. Đơn cử, về vấn đề giống, mặc dù đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ nên trồng bằng giống điều ghép cao sản, nhưng nhiều nông dân vẫn mua giống thực sinh về trồng vì giá cả rẻ hơn, dẫn đến nhiều diện tích điều trồng mới phát triển rất chậm và cho năng suất rất kém. Mặc khác, ở nhiều nơi, việc bố trí diện tích điều trồng mới đối với một số vùng đất vẫn chưa được hợp lý. Lúc bấy giờ, ngành nông nghiệp cũng đã có hướng dẫn nên phát triển cây điều ở những vùng đất thích hợp, loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt và độ cao dưới 600 m so với mặt nước biển, nhưng các địa phương hầu như chẳng chú ý đến vấn đề này.
Thứ 2, cần thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của người nông dân đối với cây điều. Lâu nay, nông dân cứ cho rằng, điều là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không cần phải đầu tư chăm sóc nhiều nên dẫn đến tình trạng bỏ bê vườn điều. Nhiều vườn điều suốt cả năm nhà nông không bón phân, làm cỏ, chỉ ngồi chờ tới mùa thu hoạch. Đây là lối canh tác rất đỗi lạc hậu, cần sớm phải thay đổi. Người trồng điều cần hạn chế sử dụng các loại thuốc xịt cỏ mà nên tập trung phát hoang, dọn dẹp, tạo lớp thảm thực vật, giúp giữ lại lớp mùn trên mặt đất không bị xói mòn trong mùa mưa, qua đó ổn định được tầng đất mặt. Hơn nữa, lớp thảm thực vật sau khi phân hủy sẽ tăng thêm lớp mùn cho đất, tăng độ dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Ngoài ra, trước thời điểm cây điều ra hoa 1 tháng, nông dân nên thực hiện bón phân cho cây ít nhất 1 lần, việc này sẽ giúp cây sai bông và nuôi trái tốt.
Hy vọng rằng với phương án phát triển và chuyển đổi cây điều tại địa bàn huyện Đăk R’Lấp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, tạo bước đà cho việc cải tạo toàn bộ diện tích điều tại tỉnh Đăk Nông, giúp người trồng điều có một cơ cấu cây trồng hợp lý và phát triển điều một cách bền vững
Nguồn: theo báo nông nghiệp www.nongnghiep.vn