Niên vụ 2014 – 2015, sản lượng cà phê giảm 20 % (VICOFA, 2015), đồng thời giá cà phê nhân xuống thấp là khó khăn rất lớn đối với ngành cà phê. Để tăng hiệu quả, thì việc giảm chi phí đầu vào (phân bón, nước tưới, nhân công,…) trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Trong cơ cấu giá thành cà phê, phân bón chiếm tỷ trọng lớn (xấp xỉ 40%). Phân bón tác động mạnh đến năng suất và chất lượng vụ hiện tại (nuôi cây, nuôi trái), mà còn ảnh hưởng lớn đến nhiều vụ tiếp theo (phát sinh cành dự trữ, phân hoá mầm hoa, cải thiện độ phì đất). Cho nên, việc sử dụng phân bón có hiệu quả cao là rất quan trọng trong canh tác cà phê.
Nếu sử phân đúng thì hiệu quả kinh tế cao, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, đất đai được cải thiện. Nếu sử dụng phân bón sai, hoặc kém chất lượng thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vườn cây và đất đai; trong nhiều trường hợp không thể phục hồi, khắc phục.
Tây Nguyên là thị trường chủ lực của nhiều nhà cung cấp phân bón (hữu cơ, vô cơ, vi sinh,…); là điều kiện thuận lợi để cho nông dân lựa chọn phân bón (chủng loại và giá cả đa dạng, phong phú,…), nhưng đồng thời cũng là khó khăn để chọn đúng loại phân cần thiết (nhiễu thông tin, phân bón giả, kém chất lượng…).
Vì vậy, cần giúp nông dân tìm hiểu và lựa chọn cho mình loại phân bón phù hợp, an toàn, hiệu quả.
Bón phân hợp lý là cung cấp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng cây cà phê cần theo từng giai đoạn để nhằm mục đích thu hoạch năng suất cao, ổn định trên cơ sở duy trì và cải thiện độ phì nhiêu đất, bảo vệ môi trường sinh thái.
1. Cơ sở bón phân cho cà phê
(i) Căn cứ nhu cầu của cây: Phải bón đủ để bù lượng dinh dưỡng cây lấy từ đất để tạo ra năng suất; lượng bị xói mòn, rửa trôi, gió cuốn, cố định trong đất,…
(ii) Căn cứ độ phì đất: Cùng một mức năng suất đất tốt bón phân ít hơn, đất xấu bón phân nhiều hơn.
(iii) Căn cứ năng suất: Vườn năng suất cao cần bón nhiều phân hơn so với vườn năng suất thấp.
(iv) Căn cứ kết quả nghiên cứu: Khuyến cáo sử dụng cho vùng nghiên cứu và trên loại đất nhất định; hoặc nơi có điều kiện đất đai, khí hậu tương đồng; nếu máy móc thì hiệu quả sẽ không cao.
2. Nguyên tắc bón phân
Sử dụng phân bón, cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:
i. Đúng loại: Phân chứa đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng (đa, trung, vi lượng). Đa lượng gồm đạm (N), lân (P), kali (K); các trung lượng như can xi (Ca), magiê (Mg), lưu huỳnh (S), si líc (Si) và các vi lượng thiết yếu như kẽm (Zn), bo (B),…
ii. Đúng liều: Đáp ứng đầy đủ về lượng phân bón để đảm bảo cho sinh trưởng và năng suất dự kiến (nuôi cây) và góp phần duy trì và cải thiện độ phì nhiêu đất (nuôi đất).
iii. Đúng lúc: đảm bảo đáp ứng đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cây cà phê cần trong từng thời điểm giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe; năng suất cao.
iv. Đúng cách: Bón đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, giảm suy thoái đất và tăng thu nhập cho người trồng cà phê.
Phân bón phải đồng thời chứa thành phần dễ tiêu (cung cấp ngay chất dinh dưỡng để cây khởi đầu nhanh) và các yếu tố tồn lưu tốt (cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây). Có như vậy thì vườn cà phê mới cho năng suất chất lượng cao, ổn định và bền vững.
Bón thừa hay thiếu (dù chỉ một yếu tố dinh dưỡng) thì sinh trưởng phát triển của cây, năng suất của vườn, độ phì đất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tốc độ tan, thành phần dưỡng chất cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của phân. Mùa khô thường dùng phân tan nhanh, các thành phần bền với nhiệt độ (để giảm thất thoát do nắng). Mùa mưa thường dùng phân tan vừa phải đến chậm và tồn lưu lâu (giảm rửa trôi do mưa).
Một cách khái quát phân thường được phân loại theo: (i) nguồn gốc, phương thức phân được sản xuất; (ii) thức cách phân sử dụng; (iii) mức sử dụng của cây; (iv) hoặc theo thành phần.
3. Phân khoáng bón gốc
Phân khoáng bón gốc là nguồn chính cung cấp dinh dưỡng cho cây thông qua bổ sung độ phì đất. Nếu không bón, bón không đủ, hoặc bón không cân đối hợp lý,… phân khoáng bón gốc thì vườn cà phê sinh trưởng phát triển kém, năng suất không cao; mà còn có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Nếu dùng tốt thì vườn cây sinh trưởng tốt, năng suất cao và bền vững. Phân bón gốc đa lượng thường được sử dụng với ba dạng chính: phân đơn trộn, phân ba màu (hỗn hợp) và phân tổng hợp (hoá hợp).
Bón phân đơn thường dễ điều chỉnh tỷ lệ dưỡng chất; nhưng nếu phối trộn không tốt thì nguy cơ mất cân đối dinh dưỡng rất cao, hơn nữa rất khó kiểm soát các trung vi lượng. Việc dùng phân đơn trộn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cùng với các biện pháp canh tác không hợp lý là nguyên nhân làm xuống cấp, suy thoái nhiều vườn cà phê thời gian qua.
Cùng với tiến bộ kỹ thuật, quá trình hiện đại hoá dây chuyền công nghệ, áp dụng những thành tựu nghiên cứu mới về phân bón, các loại phân bón hỗn hợp mới đã dần tạo ra bước nhảy vọt trong quản lý dinh dưỡng cây trồng, đồng thời cung cấp đa lượng (NPK) và trung vi lượng (TE). Từ những công thức phổ dụng (16.8.16, 16.16.8,…) dùng chung cho tất cả các loại cây trồng, vào mọi giai đoạn sinh trưởng và thời tiết.
Phân ba màu (NPK hỗn hợp) có ưu điểm là giá thành hạ, nhưng nhược điểm là khối lượng hạt phân khác nhau (khi bón phân bố dinh dưỡng trên diện tích bón không đều), tốc độ tan cũng khác nhau (hàm lượng dinh dưỡng biến động, mất cân đối,…).
Gần đây, một số loại phân hỗn hợp cao cấp đã được sản xuất với tính chuyên dụng rất cao, sử dụng cho từng loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây và từng điều kiện thời tiết cụ thể. Phân có đặc tính tan tốt, vừa cung cấp dinh dưỡng ngay vừa tồn lưu lâu dài, hàm lượng dinh dưỡng luôn ổn định, cân đối đáp ứng tối ưu nhu cầu của cây cà phê.
4. Phân bón lá
* Tác dụng của phân bón lá: Cung cấp dinh dưỡng nhanh và kịp thời. Tăng hiệu quả sử dụng phân bón đất. Tăng năng suất, cải thiện kích cỡ cà phê nhân.
* Thời điểm phun bón lá: Giai đoạn chuyển đổi sinh lý, thời tiết. Các đợt phun quan trọng:
– Phun sau khi thu hoạch: Tăng khả năng chịu hạn, thúc đẩy phân hóa mầm hoa.
– Phun sau khi tưới đợt 2: Tăng khả năng chịu hạn, kiểm soát rối loạn dưỡng chất.
– Phun khi chuyển mưa mùa: Phá ngủ nghỉ. Hạn chế rụng quả, thúc quả lớn nhanh.
– Phun sau mưa dầm dài ngày: Tăng trao đổi chất. Hạn chế rụng quả, thúc quả lớn nhanh.
– Phun vào cuối mùa mưa: Thúc đẩy tích lũy chất khô, thúc đẩy phát sinh cành dự trữ.
* Kỹ thuật phun phân bón lá: Phun sáng hoặc chiều mát. Tránh lúc nắng to, gió lớn và mưa dầm. Phun ướt hai mặt lá, đặc biệt phun càng kỹ dưới mặt lá càng tốt.
Nguồn: KS Nguyễn Tri Hiếu
Công ty Cổ phần Bình Điền – MeKong