Giải pháp chống hạn cho cây trồng mùa nắng

     Những năm gần đây hạn xảy ra liên tục. Hạn hán không còn là hiện tượng đột xuất, vì năm nào cũng xảy ra hạn hán tuy mức độ có khác nhau. Nhưng do chưa có một “chiến lược chống hạn” toàn diện, hiệu quả, nên hạn vẫn trở thành mối đe doạ thường xuyên. Đặc biệt khi hạn nặng, kéo dài, xử lý lúng túng, gây tổn thất đối với sản xuất và đời sống.
Hạn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan là thiếu nguồn nước tưới do chưa có công trình thuỷ lợi, hoặc có công trình thuỷ lợi, nhưng do quản lý yếu kém, công trình xuống cấp, không có chủ quản lý đích thực, phân phối nước chưa hợp lý, sử dụng nước lãng phí, qui hoạch cơ cấu cây trồng chưa phù hợp với khả năng nguồn nước…; nguyên nhân khách quan như rừng đầu nguồn bị phá hoại, thời tiết biến động, khô hạn…
Để góp phần giải quyết hạn, ngoài các biện pháp lâu dài có tính chiến lược như đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển nguồn nước, xây dựng các công trình thuỷ lợi, nhất là xây dựng hồ chứa nước các loại để trữ nước mùa mưa, cấp cho mùa khô… cần đẩy mạnh thực hiện hai biện pháp tiết kiệm nước sau đây:

     1. Biện pháp tưới tiết kiệm nước
Trong điều kiện nguồn nước thiếu, nhất là những vùng thường hay bị hạn thì không nên trồng lúa nước vì đây là loại cây cần nhiều nước nhất (gấp 2-3 lần so với các loại cây khác), do đó cần phải chuyển đổi thành loại cây yêu cầu nước ít hơn, gọi chung là cây trồng cạn.
Để sử dụng nước tưới hiệu quả đối với cây trồng cạn, nhiều nơi ở nước ta đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến như tưới phun, tưới nhỏ giọt..
Như vậy tưới tiết kiệm nước là một giải pháp kỹ thuật quan trọng, mang tính chiến lược trong chống hạn, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong điều kiện nguồn nước thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nước tưới.

     2. Biện pháp tiết kiệm nước tưới:
2.1. Đối với cây lúa
Nước tưới cho cây lúa yêu cầu khối lượng lớn, nhưng việc sử dụng nước tưới cho lúa hiện nay còn rất lãng phí. Để tiết kiệm nước tưới cho cây lúa cần áp dụng phương pháp “tưới nước lứa”  theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa như sau:
+ Giai đoạn lúa đẻ nhánh tưới ướt ráo, mực nước trong ruộng không vượt quá 3cm, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh khoẻ, tập trung.
+ Giai đoạn kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu tháo cạn nước để đất nứt chân chim nhằm hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu.
+ Giai đoạn lúa làm đòng – trỗ bông thì giữ mực nước nông (2-3cm).
+ Giai đoạn lúa chín, tưới nước lứa và rút nước cạn trước khi thu hoạch 5-7 ngày.
Khi áp dụng phương pháp tưới nước lứa sẽ tiết kiệm nước tưới, hạn chế tổn thất nước trên ruộng do thấm, bốc hơi. Để ruộng khô, ráo nước sẽ hạn chế được các nhánh đẻ muộn; cây lúa huy động được nhiều chất dinh dưỡng; tăng độ cứng của gốc lúa, chống đổ ngã; hạn chế được một số bệnh trên cây lúa như bệnh khô vằn, hoa cúc…

    2.2. Đối với cây trồng cạn:
Cây trồng cạn cần ít nước hơn so với cây lúa, nhưng thiếu hoặc thừa nước đều ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây.
Để tiết kiệm nước tưới trên cây trồng cạn cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật:
– Làm đất kỹ (cày sâu, bừa kỹ, bằng phẳng, lên hàng, luống…);
– Tăng cường bón phân hữu cơ;
– Tưới thấm theo rãnh (hàng);
– Tưới theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng. Ví dụ: Đối với cây bắp ở giai đoạn trỗ cờ phun râu phải tưới đủ ẩm.
Khi áp dụng các biện pháp  trên, ngoài tiết kiệm nước tưới còn tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế một số bệnh như thối thân trên cây bắp, lở cổ rễ trên các cây rau màu, thán thư trên cây ớt…

    2.3. Đối với cây ăn trái:
Để tiết kiệm nước tưới trên cây trồng cạn cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau:
– Tăng cường bón phân hữu cơ;
– Tưới thấm theo gốc;
– Sử dụng rác mục, rơm rạ… để tủ gốc.

    2.4. Hệ thống thủy lợi:
Thất thoát nước từ các hệ thống thủy lợi là rất lớn, để giảm thất thoát nước cần đổi mới công nghệ tưới, củng cố tổ chức quản lý, nhất là tổ chức hợp tác dùng nước ở cơ sở nhằm phát huy vai trò của người dân tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình, mua và lắp đặt các thiết bị… Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nông dân phải được giao quyền quản lý công trình trên địa bàn, được đào tạo, hướng dẫn nâng cao hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật quản lý công trình, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; được bàn bạc qui hoạch thuỷ lợi, qui hoạch về cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước và yêu cầu phát triển kinh tế trong vùng…
Khi áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước sẽ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trong canh tác, năng cao ý thức tiết kiệm nước và năng lực quản lý thủy nông của người dân trong việc sử dụng nước.

Nguồn: https://www.vusta.vn

Liên hệ