Cây Mắc ca (Macadamia)
Cây Mắc-ca (Macadamia) thuộc họ cơm vàng (Proteaceae) là cây khá mới ở nước ta, mặc dù nó đã được trồng thương mạiở nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Úc,…).
Hai loài Macadamia integrifolia, Macadamia tretraphyla và các con lai của chúng đang được trồng thương mại. Chúng có đặc điểm thực vật học rất giống nhau và quan hệ chặt chẽ với loài Macadamia ternfolia (có quả bé, nhân đắng không ăn được).
Cây Mắc-ca là loài cây thân gỗ lá xanh quanh năm, sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt, không kén đất (nhưng nhu cầu cao đối với lân), kích thước vừa phải, tán lá rậm. Hoa nhỏ, mọc thành chùm dài 10-20 cm. Quả hình tròn, đường kính khoảng 2,5 cm. Vỏ quả xanh sáng, khi chín rụng thường có đường nứt. Hạt cứng rất khó tách. Nhân dạng hình tròn, màu trắng, chứa ít nhất 72% dầu và 4% đường. Hạt Mắc-ca ăn rất ngon, giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao;là nguyên liệu trong công nghiệp đóng hộp, làm bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm,…
Mắc-ca có thể trồng được ở những vùng đất (miễn thoát nước tốt), với độ pH 5-6,5, lượng mưa từ 1.500-3.000 mm/năm, độ cao so với mặt nước biển 700-1.200m.Năng suất quả ở những nơi đất cằn cỗi ở Mỹ (Hawai) đạt 2,5 tấn/ha, nơi đất tốt năng suất đến 3,5 tấn/ha. ỞÚc năng suất của các vườn cây tốt chỉ 2-2,5 tấn/ha.
Mắc-ca cây trồng mới có nhiều triển vọng
Cây Mắc-ca đã được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên trồng khảo nghiệm, triển khai chọn tạo giống ở Tây Nguyên từ những năm đầu thế XXI,kết quả rất khả quan, phong trào trồng Mắc-ca ở Tây Nguyênđang dần dần phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Bước đầu cho thấy Mắc-ca tỏ ra thích nghi khá tốt ở nhiều vùng sinh thái và lập địa ở Tây Nguyên. Cây Mắc-ca ghép, sau 3 năm năng suất đã đạt 2-3 kg hạt/cây, cây tốt cho 4-5 kg hạt.Nông dân rất phấn khởi với giá bán hạt khá cao(làm giống), 200-300 ngàn đồng/kg.
Hiện nay, khi quỹ đất trống để bố trí trồng thuần cây Mắc-ca không còn nhiều; Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo trồng xen Mắc-ca (cây ghép) trong vườn cà phê làm cây che bóng đang là hướng đi tiềm năng, hợp lý, có thể giúp tăng hiệu quả sử dụng đất và bền vững.
Mắc-ca cây trồng mới còn nhiều thách thức
Các nhà quản lý, các nhà kỹ thuật và người dân đã đầu tư nhiều sức người sức của để phát triển Mắc-ca và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên,việc nông dân tự phát trồng Mắc-ca ồ ạt thời gian qua đã đưa đến những hệ lụy (cây ít quả, dịch hại bùng phát,…). Để phát triển hiệu quả cây Mắc-ca ở Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều việc phải làm:
– Chọn tạo bộ giống Mắc-ca phù hợp, đặc biệt là bộ giống chịu nhiệt và kháng bệnh.
– Quy hoạch chi tiết vùng trồng Mắc-ca, lập bản đồ phân cấp thích nghi của Mắc-ca.
– Nghiên cứu quy trình thâm canh, quản lý tổng hợp (ICM), thực hành sản xuất tốt (GAP),…
– Xây dựng thị trường, chuỗi giá trị Mắc-ca (mạng lưới thu mua, chế biến, kinh doạnh,…)
– Chính sách hỗ trợ người trồng Mắc-ca (vay vốn, huấn luyện, thông tin, khuyến nông,…)
Nguồn: Ths Phan Hùng Cường
Giám đốc Công ty Cổ phần Bình Điền – MeKong