Hội chứng vàng lá thối rễ rất phổ biến và gây hại nghiêm trọng trên cà phê tái canh, gây tổn thất lớn, do tính chất hủy hoại gây chết cây nếu biện pháp phòng trừ không hữu hiệu. Tỷ lệ và mức độ gây hại tùy thuộc vào nguồn bệnh, kỹ thuật canh tác và biện pháp phòng trừ. Trên các vườn không tuân thủ quy trình tái canh thì sau trồng 3 năm, cây phát triển kém, bị vàng lá thối rễ, khô cành rồi chết từng vạt hoặc cả vườn, phải hủy trồng lại, hay đổi cây trồng. Xảy ra ở tất cả các quy mô (nông hộ, trang trại, công ty).
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, năm 2013 diện tích tái canh không thành công của các công ty (Việt Thắng, Ea Sim, Đ’rao, 52, 705, Ia Châm,…) khoảng 300 ha.
Một số nguyên nhân chính dẫn tới thất bại trong tái canh cà phê vối là:
* Đất đai bị thoái hóa: có thể do cạn kiệt dinh dưỡng, hỏng kết cấu đất, bị nhiễm hóa chất, nhiễm vi sinh vật gây hại,…
* Nguồn sâu bệnh gia tăng: dịch hại tồn tại tích lũy trong đất và chuyên biệt thích nghi sẽ gây hại nặng cây con mới trồng.
* Cây giống không đảm bảo (nhiễm tuyến trùng, nấm bệnh) phát tán dịch hại ra ngoài đồng ruộng; là vấn đề nan giải, ảnh hưởng lớn đến vườn cà phê tái canh.
* Kỹ thuật canh tác có ảnh hưởng lớn độ phì và hệ vi sinh vật đất. Bón phân hữu cơ, luân canh, dùng chế phẩm sinh học,… là những kỹ thuật canh tác giúp kiểm soát vàng lá.
* Áp lực thu nhập: đây là lý do nông dân nóng vội tái canh ngay, dẫn đến bị thất bại.
Triệu chứng bệnh vàng lá, thối rễ
Ban đầu bệnh xuất hiện tại một hoặc vài vùng rải rác trên vườn, sau đó lan dần ra. Triệu chứng được chia làm 2 nhóm: trên mặt đất và dưới mặt đất. Do vậy, cần phải kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng, phân tích rễ và đất để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
* Triệu chứng trên mặt đất: cây sinh trưởng phát triển kém; chùn đọt, thấp lùn; ít cành lá, hoa, quả; vàng lá. Trong mùa mưa nếu chăm sóc tốt cây vẫn xanh; tuy nhiên cây dễ bị nghiêng đổ. Trường hợp bị nặng cây sẽ héo khi thời tiết khô nóng và có thể chết. Triệu chứng cây vàng lá rất rõ vào đầu mùa khô, sau khi dứt mưa và chưa tưới nước.
* Triệu chứng dưới mặt đất: Thối rễ tơ: rễ tơ có vết thương màu nâu đen, thối ở các vị trí khác nhau, đầu rễ bị tù; rễ bị u sưng, hay có nốt sần. Nếu chăm sóc và phòng trừ không hiệu quả thì bộ rễ tơ phát triển kém, bệnh lan sang làm rễ cọc bị thối. Do hệ thống rễ bị hủy hoại, nên cây không hấp thu được nước và dinh dưỡng và bị vàng lá.
Tác nhân gây bệnh vàng lá, thối rễ
Có rất nhiều tác nhân gây vàng lá thối rễ như tuyến trùng, nấm bệnh, rệp sáp, mối,… Các tác nhân này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc tác động phối hợp làm bệnh trầm trọng hơn. Trong đó, nguyên nhân chính là tuyến trùng kết hợp với nấm bệnh. Tuyến trùng tạo vết thương, sau đó nấm bội nhiễm gây hại. Tuyến trùng gây hại cà phê rất đa dạng. Trong đó, loài Pratylenchus coffeae chiếm ưu thế; tiếp theo là Meloidogyne (gây nốt sưng). Các giống khác như Rotylenchulus, Helicotylenchus,… có tần suất xuất hiện thấp hơn.
Ba yếu tố ngoại cảnh cảnh hưởng lớn đến bệnh vàng lá, thối rễ (tuyến trùng, nấm rễ) là: nhiệt độ; ẩm độ đất; chế độ và lượng mưa. Bốn con đường lây truyền bệnh chính là: vết thương (tác động cơ giới, sinh học,..); nước (tưới, mưa,…) tàn dư thực vật và ký chủ phụ.
Một số giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả tái canh cà phê vối
Để tái canh cà phê thành công, hiệu quả và bền vững thì phải thực hiện nghiêm túc Quy trình tái canh cà phê vối (QĐ số 273 /QĐ-TT-CCN ngày 03/7/2013) và áp dụng đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật mới. Cần thực hiện thật tốt một số biện pháp quan trọng sau:
* Cây giống tốt, khỏe, sạch sâu bệnh: Cây giống đảm bảo (sản xuất theo quy trình sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn xuất vườn, cây sinh trưởng tốt, bộ rễ phải khỏe, không có dấu hiệu bất thường) khi trồng tái canh sẽ sinh trưởng khỏe, vườn đồng đều và ít bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ. Dùng cây ghép từ chồi các dòng vô tính (TR4, TR7, TR8, TR9, TR11, TR13,…) hoặc cây ươm từ hạt giống lai tổng hợp TRS1 để vườn tái canh có năng suất cao, chất lượng tốt và kháng bệnh gỉ sắt. Việc sử dụng cây giống lưu niên cũng rất khả quan, tỷ lệ chết khi trồng thấp, sinh trưởng nhanh, phát triển tốt và sớm cho thu hoạch.
* Nhổ cây và làm đất kỹ: cần tiến hành sớm (tháng 12, tháng 1); cày rà rễ, gom đốt tàn dư thực vật; cày đảo phơi nỏ đất (2-3 lần, sâu 30-40 cm); đây là biện pháp có tính quyết định để rút ngắn thời gian luân canh và tăng tỷ lệ tái canh thành công.
* Luân canh cải tạo đất là biện pháp hữu hiệu để làm giảm mật độ tuyến trùng, nấm bệnh và phục hồi đất trước khi tái canh cà phê. Thời gian luân canh dài hay ngắn tùy theo mật độ tuyến trùng, nấm bệnh trong đất. Cây luân canh phải kháng cao (hoặc không là ký chủ) tuyến trùng như cây muồng hoa vàng (Crotalaria spectabilos, Crotalaria juncea), cây cúc vạn thọ (Tagetes erecta, Tagetes patula, Tagetes minuta),…
* Bổ sung hữu cơ và sinh vật hữu ích để cải tạo đất, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, kiểm soát hiệu quả tuyến trùng và nấm bệnh. Phòng trừ sinh học gồm: (1) sử dụng chế phẩm sinh học (TrichoNema, HCMK7,…) và (2) Sử dụng các thiên địch tự nhiên.
* Xử lý hố trồng: đào hố sớm, kích thước đảm bảo, phơi ải 2-3 tháng. Lót và lấp hố trước trồng ít nhất 1 tháng, sử dụng các chế phẩm sinh học ngay khi bón lót. Khi mật độ tuyến trùng và nấm bệnh quá cao, thời gian luân canh ngắn,… thì xử lý đất bằng biện pháp tổng hợp (điều trị giảm mật số bằng hóa học, kiểm soát mật số bằng sinh học,… một cách hợp lý) là cần thiết và hiệu quả tốt.
Để giảm áp lực đầu tư và nguồn thu nên Thực hiện tái canh từng phần (cuốn chiếu) mỗi năm chỉ trồng lại 15 – 20 % số cây (chọn những cây kém nhất, đầu tư không hiệu quả).
Nguồn: Ths Phan Hùng Cường
Giám Đốc Công ty Cổ phần Bình Điền – MeKong