Nhện đỏ gây hại cây cam quít có tên khoa học là Panonychus citri, thuộc họ nhện chăng tơ (Tetranychoidea), bộ ve bét (Acariana).
Nhện đỏ xuất hiện trên các vùng trồng cây cam quít ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Tây Âu, Tuynidi, I-Ran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ấn Độ, Sri Lanka, Newziland, Úc, Brasil, Argentina, Chi Lê, Pêru, Colombia, …chúng có thể gây hại trên các loại cây trồng thuộc các giống cam, quýt, chanh, bưởi, …và trong tất cả các giai đoạn phát triển của cây.
Nhện đỏ sinh trưởng và phát triển quanh năm. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển là khoảng 250C. Nhiệt độ trên 35 – 400C không thích hợp, chúng có thể bị chết hàng loạt, mưa nặng hạt kèm theo gió to có thể rửa trôi nhện trên cây.
Nhện trưởng thành có thân hình bầu dục tròn, trên cơ thể có nhiều lông cứng mọc từ các u lồi rõ ràng, cơ thể nhện trưởng thành có màu đỏ sẩm, kích thước rất nhỏ khoảng 0,35mm, nên rất khó quan sát bằng mắt thường,nhưng có thể quan sát dễ dàng qua kính lúp.
Trứng nhện đỏ rất nhỏ, hình cầu, màu đỏ, phía trên có một cái cuống. Trứng được đẻ rải rác trên cả hai mặt lá hoặc trên trái.Ấu trùng mới nở có màu trắng vàng và chuyển dần sang màu nâu đỏ khi trưởng thành.
Do nhện đỏ có vòng đời ngắn nên thường mật số tăng lên rất nhanh và gây hại nghiêm trọng đặc biệt trong mùa nắng. Các thế hệ nhện đỏ tiếp nối nhau trên cây cách nhau 10 đến 20 ngày tùy theo thời tiết, mùa nắng sẽ nhanh bộc phát mật độ nhện hơn trong mùa mưa, cho nên các nhà vườn trồng cam quít phải phun thuốc định kỳ để trị nhện đỏ thường xuyên từ 10 đến 20 ngày/lần.
Nhện đỏ sống ở mặt trên lá già, lá bánh tẻ, khi mật độ cao sống cả ở mặt dưới lá, cành lộc non, và trên trái.
Khi bị gây hại trên lá sẽ làm cho lá bị biến dạng ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cây. Khi mật số cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành cũng trở nên còi cọc, khô và chết. Trên trái, nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đáy trái và trong các phần lõm của trái. Khi trái còn non nhện chích hút dịch ở lớp biểu bì làm vỏ trái bị biến màu và các vết thương khô lại tạo nên những đốm sần sùi về sau khi trái lớn lên hình thành nên “bệnh da lu, da cám” làm mất giá trị thương phẩm của trái.
Thiên địch của nhện đỏ:
– Phổ biến là Bọ rùa Stethorus và bọ cánh cộc Oligota, thường xuất hiện khi mật độ nhện hại cao.
– Bọ trĩ Scolothrips sexmaculatus P. là loài bắt mồi quan trọng trên cam chanh ở California.
– Các loài nhện bắt mồi họ Phytoseiidae, phổ biến thuộc giống Amblyseius (đến nay đã phát hiện được khoảng 6 loài).
– Nấm thuộc giống Entomopthora (xuất hiện ở vùng nóng ẩm).
Biện pháp phòng trừ
Biện pháp canh tác, cơ giới:
– Trồng cam quít với khoảng cách thích hợp, không nên trồng quá dầy làm cho vườn bị um tùm rậm rạp.
– Bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu.
– Cắt tỉa cành tạo tán cho vườn thông thoáng.
– Có thể tiến hành tưới nước theo kiểu phun mưa để rửa trôi nhện bám trên các bộ phận của cây.
Các biện pháp sinh học:
– Sử dụng các loài thiên địch tự nhiên để khống chế mật độ nhện.
Các biện pháp hóa học:
– Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc cao, nên sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học có gốc hoạt chất khác nhau để ngăn nhện hình thành tính kháng:
– Các hoạt chất thuốc hóa học có thể sử dụng để phòng trừ nhện đỏ như : Dầu khoáng, Hexythiazox, Propargite, Pyridaben, Amitraz, Diafenthiron,
Công ty Cổ Phần Bình Điền Mekong có sản phẩm Đầu Trâu BIHOPPER 270EC là thuốc trừ sâu sinh học hỗn hợp 2 hoạt chất Ambamectin và Petrolium oil (dầu khoáng) có khả năng diệt trừ nhện đỏ rất tốt, do dầu khoáng trong Đầu Trâu BIHOPPER được điều chế theo công nghệ đặc biệt, hòa tan tốt trong nước, có khả năng loang trải và bám dính tốt trên cây. Dầu khoáng làm tắc nghẽn lổ thở, làm ung trứng nên có thể kéo dài thời gian giữa hai lứa nhện kế tiếp.
Tài liệu tham khảo:
1. Trang BẢO VỆ THỰC VẬT, Nhện đỏ hại cây có múi và biện pháp phòng trừ
2. Citrus Plants Ornamental (2014), Pests & Diseases
Nguồn: ThS Nguyễn Thanh Triều
Công ty Cổ phần Bình Điền – MeKong