Phát triển rau an toàn trở thành phong trào

    Đến xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP.HCM), nơi nổi tiếng về sản xuất rau, ai cũng khen ngợi mô hình Liên tổ sản xuất rau VietGAP của 31 hộ nông dân ở ấp Trung Hiệp Thạnh.

     Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã dành nhiều thời gian khảo sát, phân tích đánh giá điều kiện đất, nước và chứng nhận vùng sản xuất an toàn; đồng thời mở các lớp đào tạo, dạy nghề trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, dần hình thành các vùng trồng rau sạch phục vụ người tiêu dùng…
Đến xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP.HCM), nơi nổi tiếng về sản xuất rau, ai cũng khen ngợi mô hình Liên tổ sản xuất rau VietGAP của 31 hộ nông dân ở ấp Trung Hiệp Thạnh. Ở đây, hầu như nhà nào cũng dành một phần diện tích để trồng rau, nhà ít thì chục mét vuông, nhà nhiều cả héc ta. Trước đây việc sản xuất rau của bà con hoàn toàn thực hiện theo kinh nghiệm, thói quen và tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào các chợ đầu mối, giá cả bấp bênh, sản xuất nông nghiệp lúc được lúc mất.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, Trạm Khuyến nông Củ Chi đã dành thời gian về địa phương khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp với yêu cầu sản xuất, tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, phân tích đánh giá điều kiện đất, nước và chứng nhận vùng này đủ điều kiện làm điểm sản xuất rau an toàn.
Đồng thời Trung tâm mở các lớp đào tạo, dạy nghề trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Tháng 8/2013, tổ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP Trung Hiệp Thạnh được thành lập với số hội viên tham gia là 20 hộ, tổng diện tích sản xuất rau ban đầu 5 ha. Bà con trong tổ sản xuất được đi tham quan, tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, từ việc chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, nắm bắt danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng trên rau do Bộ NN-PTNT ban hành. Kể từ đây, việc sản xuất rau, quả của bà con trong ấp đã được chuyên môn hóa rõ rệt. Một số hội viên đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới đủ loại như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương khá hiện đại, bài bản. Nhận thấy những ưu việt của mô hình điểm này góp phần hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, bảo vệ môi trường sống, an toàn sức khỏe, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Đến nay, số hội viên tham gia tổ sản xuất đã phát triển lên con số 31 hộ với tổng diện tích mở rộng lên đến 37 ha. Vụ khổ qua này, gia đình anh Lê Thanh Hùng, ấp Trung Hiệp Thạnh, xuống giống 5.000 m². Đến thời điểm này, gia đình anh đã thu hoạch được 10 tấn trái, dự kiến còn thu thêm hơn 5 tấn nữa. Với giá bán được HTX Phú Lộc ký kết thu mua từ đầu vụ 6.000 đồng/kg, gia đình anh thu về 90 triệu đồng, trừ chi phí, anh bỏ túi hơn 50 triệu đồng. Anh Hùng cho biết trước đây, việc sản xuất rau, quả theo tư duy truyền thống khiến gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Cứ năm nào được mùa thì lại mất giá, khách hàng chợ đầu mối thu mua với giá rẻ mạt từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, hàng bị trả về khá nhiều vì chất lượng kém
Kể từ khi được tham gia các lớp tập huấn về trồng rau, quả theo quy trình VietGAP, và nhất là tham gia vào tổ hợp tác, anh và hàng chục hộ nông dân trồng rau trong tổ phất lên nhanh chóng. “Cách đây 3 năm, cũng trên 5.000 m² trồng khổ qua, tôi chỉ mong lãi được chục triệu đồng là cùng. Giờ thì khác rất xa, ngay từ đầu vụ, HTX thu mua đã tới khảo sát, phân bổ giống cây trồng, thời vụ. Chúng tôi chỉ việc sản xuất theo đơn đặt hàng, đúng quy trình VietGAP còn việc giá cả, thu mua đã có HTX lo liệu. Tính ra, trên mỗi ha đất trồng rau, quả hiện nay, mỗi năm chúng tôi có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng”, anh Hùng cho hay. Cách đó không xa, anh Ngô Quang Lâm, ngụ cùng ấp, cũng đang tất bật thu hoạch 2.000 m² bầu của nhà mình. Anh Lâm cho hay vụ bầu này, anh được HTX Phú Lộc phân bổ trồng 2.000 m² bầu. Sau 3 tháng xuống giống, anh thu hoạch được 8 tấn trái, với giá bán được HTX ký kết là 6.000 đồng/kg, gia đình anh thu về 48 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 35 triệu đồng. “Bây giờ cứ làm đúng theo quy trình VietGAP là người nông dân thắng lớn. Vụ rau Tết tới, tôi sẽ mạnh dạn chuyển đổi thêm 8.000 m² đất để chuyển sang trồng rau, quả”, anh Lâm nói. Ông Nguyễn Bá Sơn, khuyến nông viên xã Trung Lập Thượng cho biết mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân. Trung bình, mỗi hộ nông dân trong xã sản xuất 4.000 m² rau quả, một năm sản xuất 3 vụ, thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Để giải bài toán đầu ra cho nông dân, ngay từ khi xây dựng mô hình, khuyến nông đã mời các đơn vị bao tiêu sản phẩm trên thành phố về làm việc, trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân như: HTX Nhuận Đức, HTX Phú Lộc. Trong tương lai, mô hình sản xuất rau, quả theo quy trình VietGAP này sẽ được phát triển lên đến 90 ha

Nguồn: Báo Nông nghiệp

Liên hệ