Sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

        Hiện nay, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai vùng trồng tiêu chủ lực của Việt Nam, với gần 58.000 ha (2013), chiếm hơn 65 % diện tích tiêu toàn quốc. Việc áp dụng hợp lý các giải pháp quản lý dinh dưỡng nói chung, bón phân hữu cơ nói riêng cho từng vùng, là hết sức quan trọng; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tăng thu nhập, hạn chế ô nhiễm, đảm bảo sản xuất hồ tiêu bền vững ở Việt Nam.
Trong nhiều quy trình kỹ thuật, bộ tiêu chí sản xuất bền vững thì hữu cơ luôn được đề cao với vai trò là một trụ cột quan trọng của thực hành sản xuất tốt (GAP), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý tổng hợp vườn cây (ICM),…
Kết quả điều tra của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy đại đa số nông dân đã quan tâm bón phân hữu cơ cho tiêu, Tây Nguyên có xu hướng bón cao hơn so với Đồng Nam Bộ, bón cao nhất là ở Gia Lai. Bình quân lượng phân chuồng bón trên đất bazan (12,5-15 tấn/ha), thường cao hơn trên đất xám (11,9 tấn/ha); ngược lại, bình quân lượng hữu cơ sinh học/vi sinh bón trên đất bazan (2,4 – 2,9 tấn/ha), thường thấp hơn trên đất xám (3,1 tấn/ha). Ở Tây Nguyên, trên 93% số hộ điều tra bón phân chuồng (1,5 – 40 tấn/ha, bình quân 10,6 kg/trụ), 70% số hộ điều tra có bón phân hữu cơ sinh học/vi sinh (0,2 – 14 tấn/ha, bình quân 2,3 kg/trụ). Ở Đông Nam Bộ, trên 77% số hộ có bón phân chuồng (1,0 – 50 tấn/ha, bình quân 8,5 kg/trụ), 59% số hộ có bón phân hữu cơ sinh học/vi sinh (2,0 – 3,5 tấn/ha, bình quân 1,9 kg/trụ).

   Bởi vì hữu cơ là môi trường sống của các vi sinh vật nên trong các giải pháp phòng trừ sinh học, trong các quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh không thể thiếu phân hữu cơ. Hầu hết các giải pháp sinh học ứng dụng trong nông nghiệp thường phát triển theo ba hướng chính: phân giải hữu cơ (tăng tính hữu hiệu, phân giải có định hướng,…), thúc đẩy cây trồng (kích thích sinh trưởng phát triển,…) và bảo vệ thực vật (đấu tranh sinh học, kiểm soát sâu bệnh hại).

         Việc cường canh, sản xuất tập trung và quản lý đồng ruộng còn nhiều bất cập nên sâu bệnh hại trên hồ tiêu đang diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất; làm tăng chi phí, sản xuất kém bền vững; và tồn dư độc chất quá ngưỡng cho phép. Trong đó, chết chậm, chết nhanh và tiêu điên là ba đối tượng nghiêm trọng nhất. Sự lạm dụng hay hoàn toàn dựa vào thuốc hoá học trong phòng trừ ba đối tượng dịch hại này là bất cập, nhiều rủi ro, hiệu quả không cao và kém bền vững.
Bổ sung vi sinh vật hữu ích trên nền hữu cơ là biện pháp hữu hiệu để quản lý dịch hại; bởi vì, ngoài bổ sung dinh dưỡng và cải tạo đất thì các vi sinh vật còn mang lại nhiều tác dụng to lớn: phân giải chất hữu cơ, tạo ra các chất kích thích sinh trưởng cây trồng (ngăn ngừa loạn dưỡng, tiêu điên); và đối kháng với tuyến trùng, nấm bệnh (kiểm soát chết chậm, chết nhanh); nhờ đó mà vườn tiêu sinh trưởng phát triển khỏe, tăng năng suất và bền vững. Trong bối cảnh diện tích hồ tiêu mở rộng nhanh, nguồn phân chuồng khan hiếm thì xu hướng dùng phân hữu cơ vi sinh ngày càng phát triển.

Hội chứng chết chậm hồ tiêu

   Triệu chứng: Cây sinh trưởng, phát triển kém, lá vàng. Các lá già bị vàng, héo và rụng; tiếp theo là các đốt bị rụng. Những cây bị bệnh thường có bộ tán lá thưa thớt, ra hoa và đậu quả kém dẫn đến năng suất và chất lượng giảm. Lúc đầu chỉ có một vài cây, sau đó lan rộng ra khắp vườn. Triệu chứng vàng và rụng lá, rụng đốt thường phát triển chậm và kéo dài, có khi vài ba năm sau khi xuất hiện triệu chứng cây mới chết.
   Nguyên nhân: Tuyến trùng (Meloidogyne incognita) tấn công tạo vết thương và nốt sưng trên rễ; sau đó nấm (Fusarium solani) xâm nhập làm thối rễ.

Hội chứng chết nhanh hồ tiêu

   Triệu chứng: Nấm có thể gây hại trên lá, quả, thân, rễ. Nếu nấm tấn công vào rễ sẽ làm cây tiêu chết đột ngột; lá héo rũ, chết khô cùng với dây trên cây. Nếu nấm tấn công thân cành lá sẽ làm lá héo rũ, rụng ồ ạt; dẫn đến cây tiêu chết khá nhanh.
   Nguyên nhân: Bệnh do tác nhân chính là nấm Phytophthora sp. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm đối với cây tiêu. Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, ở những vườn ẩm cao, không thoát nước tốt; hoặc sau khi hạn hán kéo dài cây bị “sốc” dễ bị nấm tấn công. Bệnh lây lan nhanh, làm cây chết hàng loạt và mức độ gây hại cực kỳ nghiêm trọng.

Hội chứng tiêu điên

   Triệu chứng: Nhìn chung có 3 triệu chứng của bệnh virus phổ biến trên tiêu:
Khảm lá: Các vết khảm nhẹ trên lá bánh tẻ, lá không biến dạng. Cây vẫn phát triển bình thường.
Khảm lá biến dạng: Lá khảm nặng, mất màu, biến dạng, xoăn cuốn,…Cây vẫn phủ trụ, song cành nhánh hoa quả kém, năng suất thấp.
Xoăn lùn: Lá nhỏ, biến dạng mạnh, xoăn, sần sùi,… Ngọn ra nhiều, rụt lại tạo thành búi lớn sát gốc; lóng ngắn, cây lùn hẳn. Thường gọi là “tiêu điên”.
 Nguyên nhân: Do virus gây hại..

          Kết quả khảo nghiệm và triển khai ứng dụng diện rộng trong sản xuất hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cho thấy các sản phẩm hữu cơ vi sinh HCMK (Công ty cổ phần Bình Điền MeKong) chẳng những có tác dụng vượt trội trong việc cải thiện độ phì đất và nâng cao sức sản xuất của vườn tiêu, mà còn kiểm soát hữu hiệu chết chậm, chết nhanh và các rối loạn dinh dưỡng trên hồ tiêu; đặc biệt là khi phối hợp hữu cơ vi sinh HCMK với các dòng phân bón lá chuyên dùng cho hồ tiêu, là giải pháp đang được nông dân trồng hồ tiêu tin dùng.

 

   Phân hữu cơ vi sinh HCMK7 (với các chủng nấm Trichoderma sp), HCMK8 (với vi khuẩn Pseudomonas sp) chứa các vi sinh có hoạt tính cao, khỏe và phổ thích nghi rộng; trên nền hữu cơ khoáng cao cấp đã đối kháng mạnh mẽ với Phytophthora, Fusarium, Pythium,… kiểm soát tốt chết nhanh, chết chậm và ngăn ngừa tiêu điên.

          Hiện nay trên các vườn tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thường đồng thời xuất hiện cả chết nhanh, chết chậm và rối loạn dinh dưỡng thì việc bón phối hợp hoặc luân phiên HCMK7 và HCMK8 đã phát huy tác dụng manhk mẽ, kiểm soát khá triệt để dịch hại, giúp vườn tiêu sinh trưởng, phát triển ổn định và bền vững.

Nguồn: ThS. Phạm Công Trí
Phụ trách Bộ môn Hệ thống Nông lâm nghiệp – VIỆN KHKT NÔNG LÂM NGHIỆP TÂY NGUYÊN

Liên hệ