PGS.TS Trần Thị Thu Hà và niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Ngày cập nhật 09/03/2013 07:17

          Đam mê nghiên cứu khoa học và tận tâm với hoạt động giảng dạy, PGS. TS. Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm – Đại học Huế, là một trong 5 Phó Giáo sư của Đại học Huế vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS trước 40 tuổi.

          Tốt nghiệp đại học năm 1996, năm 1997 Trần Thị Thu Hà tiếp tục học thạc sĩ tại Trường đại học Nông Lâm Huế. Năm 2003, chị học nghiên cứu sinh ở Hà Lan và hoàn thành năm 2007. Cuối năm 2012, chị đạt tiêu chuẩn chức danh PGS và là 1 trong 3 nữ PGS trẻ của Đại học Huế được công nhận đạt tiêu chuẩn trước 40 tuổi.

Nghiên cứu khoa học là niềm đam mê

          Chỉ sau 5 năm tốt nghiệp tiến sỹ, đây cũng là thời gian chị vừa sinh và nuôi con nhỏ nhưng nhà nữ khoa học này đã và đang chủ nhiệm một số đề tài cấp Bộ như: Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ nhóm bệnh héo rũ hại lạc do nấm tại Thừa Thiên Huế (2009-2010); Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici) trên cây hồ tiêu (2011-2012); Nghiên cứu sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học từ xạ khuẩn Streptomyces, nấm Trichoderma để phòng chống bệnh thán thư, héo xanh trên cây ớt (Capsium frutescens) tại khu vực Nam Trung Bộ (2013-2014). Chị cũng là chủ nhiệm đề tài do quỹ Nafosted tài trợ: Xác định, phân tích Aspergillus flavus và aflatoxin từ đất trồng lạc và lạc và phòng trừ bằng tác nhân sinh học tại Nghệ An (2013-2014). Nhiều đề tài cơ sở, cấp Bộ trọng điểm, cấp Nhà nước và cấp tỉnh khác mà chị tham gia đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân như các đề tài: Tạo dòng và biểu hiện gen chitinase kháng nấm hại thực vật; Xác định một số gen chủ yếu kháng bệnh đạo ôn ở các giống lúa chủ lực tại Thừa Thiên Huế; Đề tài Nafosted 2012-2013: Nâng cao giá trị dinh dưỡng của các nguồn phế phụ phẩm công nghiệp thông qua sự lên men vi sinh vật để làm thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu kết hợp Trichoderma và Pseudomonas phòng trừ bệnh thối trắng (S. rolfssi) và thối đen cổ rễ (As. niger) hại lạc ở khu vực miền Trung…

PGS.TS Trần Thị Thu Hà tại phòng thí nghiệm Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế

          Trong số các đề tài mà chị chủ nhiệm và tham gia, đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici) trên cây hồ tiêu” là đề tài nghiên cứu mà chị tâm đắc nhất và cũng mang lại hiệu quả cao nhất trong thực tế sản xuất của người dân các địa phương. Công trình này đã mang về cho chị Giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam 2011 (VID 2011) do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức. PGS. TS. Trần Thị Thu Hà cho biết: “Các nước phát triển đã nghiên cứu nhiều về chế phẩm sinh học Pseudomonas nhưng ứng dụng trên các cây khác (do các nước này không trồng hồ tiêu). Ở Việt Nam, thời điểm đấy (2003-2007) chưa có nghiên cứu nào về phòng trừ bệnh cho cây hồ tiêu bằng phương pháp phòng trừ sinh học. Vì vậy, mình đã dựa trên nghiên cứu của họ và ứng dụng trên cây hồ tiêu, loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng bị sâu bệnh nhiều nhất ở Việt Nam”. Sáng kiến sản xuất chế phẩm sinh học từ các chủng vi khuẩn Pseudomonas và áp dụng chế phẩm sinh học Pseudomonas để phòng trừ bệnh chết nhanh mà PGS.TS Trần Thị Thu Hà nghiên cứu đã giúp nhiều nông dân hạn chế và phòng ngừa được sự lây lan của bệnh cho cây trồng. Bên cạnh đó, ưu điểm của sản phẩm này là có giá thành thấp hơn nhiều so với các phương pháp khác cũng như các sản phẩm nhập ngoại, đặc biệt là tính thân thiện với môi trường.

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà kiểm tra công trình thí nghiệm phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn trên cây cà chua và ớt

          “Để có được chế phẩm sinh học Pseudomonas cho cây hồ tiêu là cả một quá trình dài với 4 năm nghiên cứu trong thời gian làm luận án tiến sĩ và 4 năm sau đó tiếp tục triển khai những thí nghiệm và mô hình thử nghiệm ở các tỉnh khác nhau tại Việt Nam”, PGS. TS Hà cho biết. Đã có 6 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín về công trình này, trong đó một số bài được đăng trên các tạp chí khoa học có chỉ số ảnh hưởng cao (Impact factor) như New Phythologist và Applied and Environmental Microbiology. Các kết quả NCKH của PGS. TS Trần Thị Thu Hà cũng đã được chuyển giao kỹ thuật đến người nông dân thông qua tập huấn, hội thảo đầu bờ, các phóng sự truyền hình phát trên kênh VTV2, VTV1 và nhiều phóng sự, tin tức trên đài truyền hình địa phương. Đặc biệt phóng sự “Chế phẩm sinh học Pseudomonas phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu” đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ nông dân và một số cơ quan tổ chức. Thông qua các chương trình này, nhiều bà con nông dân ở các vùng, miền khác nhau trong cả nước đã biết đến nhà khoa học PGS. TS. Trần Thị Thu Hà. “Cảm ơn cô nhiều, nhờ cô mà vườn tiêu của con đỡ nhiều rồi, chúc cô thành công…”; “Thay mặt bà con nông dân ở Đắc Lắc kính chúc cô mạnh khỏe…”, “Mong cô giúp bà con”,… là vài trong số rất nhiều tin nhắn từ bà con nông dân mà PGS. Hà đã nhận được qua điện thoại. Chị cũng đã trở thành người bạn thân thiết và người tư vấn kỹ thuật cho bà con từ lúc nào không hay. “Đối với một nhà khoa học như mình thì đó là niềm vui rất lớn bởi điều đó cho thấy những kết quả nghiên cứu đã đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con”, chị nói.

“Hạnh phúc là hài lòng với những gì mình có”

          Dẫu bận rộn với công việc ở trường nhưng chị luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ đối với gia đình. Nữ PGS. TS trẻ này quan niệm “Hạnh phúc là hài lòng với những gì mình có. Phụ nữ làm nghiên cứu khoa học phải cố gắng hơn nhiều so với nam giới”. Chia sẻ về bí quyết để có thể làm tốt cả “việc nước, việc nhà”, chị Hà cho biết: “Phải có kế hoạch bố trí thời gian phù hợp và cân đối giữa gia đình và công việc. Lên kế hoạch, phân bổ thời gian và quản lý giúp việc thực hiện đề tài khoa học đạt được kết quả tốt. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ ủng hộ của người thân trong gia đình là sức mạnh và động lực hết sức quan trọng giúp tôi hoàn thành tốt công việc”

          Tích cực tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, đi thực tế trong nước để nắm thêm thông tin và vấn đề bức thiết cần nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất giúp nhà nữ khoa học trẻ này đã và tiếp tục đưa ra nhiều ý tưởng phục vụ cuộc sống. Hiện PGS. TS Trần Thị Thu Hà tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm mô hình rau hữu cơ tại gia đình mình để cung cấp rau sạch và chất lượng cao cho gia đình và sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các hộ ở đô thị thời gian tới.

Nguồn: https://www.baothuathienhue.vn

Liên hệ